LỜI NÓI CỦA CHÚA GIÊ-XU
“Hỡi anh em, trong vòng anh em chớ có nhiều người tự lập làm thầy, vì biết như vậy, mình sẽ phải chịu xét đoán càng nghiêm hơn. Chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm. Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn vẹn, hay hãm cầm cả mình. Chúng ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa, cho nó chịu phục mình, nên mới sai khiến cả và mình nó được. Hãy xem những chiếc tàu: dầu cho lớn mấy mặc lòng, và bị gió mạnh đưa đi thây kệ, một bánh lái rất nhỏ cùng đủ cạy bát nó, tùy theo ý người cầm lái. Cũng vậy, cái lưỡi là một quan thể nhỏ, mà khoe được những việc lớn. Thử xem cái rừng lớn chừng nào mà một chút lửa có thể đốt cháy lên! Cái lưỡi cũng như lửa; ấy là nơi đô hội của tội ác ở giữa các quan thể chúng ta, làm ô uế cả mình, đốt cháy cả đời người, chính mình nó đã bị lửa địa ngục đốt cháy. Hết thảy loài muông thú, chim chóc, sâu bọ, loài dưới biển đều trị phục được và đã bị loài người trị phục rồi; nhưng cái lưỡi, không ai trị phục được nó; ấy là một vật dữ người ta không thể hãm dẹp được: đầy dẫy những chất độc giết chết. Bởi cái lưỡi chúng ta khen ngợi Chúa, Cha chúng ta, và cũng bởi nó chúng ta rủa sả loài người, là loài tạo theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Đồng một lỗ miệng mà ra cả sự khen ngợi và rủa sả! Hỡi anh em, không nên như vậy. Có lẽ nào một cái suối kia, đồng một mạch mà ra cả nước ngọt và nước đắng sao? Hỡi anh em, cây vả có ra trái ô-li-ve được, cây nho có ra trái vả được chăng? Mạch nước mặn cũng không có thể chảy ra nước ngọt được nữa.” (Gia cơ 3:1-12)
Có một số cuộc trò chuyện khiến bạn phải lánh đi để khỏi cảm thấy bị chỉ trích. Có người dùng những lời lẽ nặng nề để phê bình bạn, cho dù bạn có đáng bị như thế hay không thì sự tổn thương bởi lời nói thật khủng khiếp. Thế nên, thật vô nghĩa khi họ biện hộ rằng “Mình nói thế chỉ vì muốn tốt cho bạn mà thôi”. Có thể thực sự họ tin như vậy nhưng hậu quả thực tế thì lại hoàn toàn trái ngược.
Khi nghĩ đến những cuộc trò chuyện như vậy, tôi chỉ muốn tránh xa và trốn chạy. Và tôi cũng cảm nhận giống hệt như thế về những lời bàn tán diễn ra sau lưng mình, những lời đồn đại lan truyền khắp nhà thờ hay nơi công sở, đôi khi lại được ngụy trang như là một “lời cầu thay”, nhưng thực sự đó cũng chính là cơ hội để người ta bới móc thông tin đời tư gây tổn thương về một người nào đó. Vậy! Làm thế nào mà một quan thể nhỏ bé trong cơ thể như cái lưỡi lại mang tính sát thương cao đến như vậy?
Thật kỳ lạ là tôi chẳng cảm thấy bị tổn thương như vậy đối với lời dạy dỗ của Chúa Giê-xu. Phải, có thể Ngài sẽ phán những lời nặng nề khi cần thiết, nhưng không bao giờ với mục đích gây tổn thương hay làm tổn hại ai. Mục đích của Chúa Giê-xu lúc nào cũng là để chữa lành và nâng đỡ. Ngay cả khi Ngài phải trách phạt hay phán xét ai đó, thì rõ ràng Ngài làm như thế là vì lợi ích của họ. Ngài cũng chẳng bao giờ đi xa hơn những điều thực sự cần phải nói. Và nếu như họ ăn năn thì Ngài sẵn sàng tha thứ cho. Vậy là kết thúc cuộc trò chuyện. Lời nói của Chúa Giê-xu chính là để chữa lành thay vì gây tổn thương.
Đây là lý do tại sao tôi cảm thấy an toàn khi có Chúa Giê-xu. Tôi tin rằng Ngài thấu hiểu và biết rõ tôi. Tôi cũng tin rằng Ngài rất yêu thương tôi. Thế nên, khi Chúa Giê-xu sửa trị tôi, tôi sẵn sàng lắng nghe vì tôi biết Ngài yêu tôi nên mới khuyên dạy tôi như vậy. Đó là tình yêu thương mà Đức Chúa Trời dành cho tôi và cũng dành cho bạn! Tình yêu thương này vĩ đại đến mức Ngài bằng lòng phó mạng sống mình để giải cứu chúng ta, để kéo chúng ta đến gần Ngài hơn và khiến chúng ta trở nên con cái yêu dấu của Ngài mãi mãi. Đây là tình yêu thương và sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời, Đấng luôn đặt lợi ích của chúng ta lên trên của Ngài, và Ngài sẽ làm đi làm lại việc này cả ngàn lần nữa nếu cần thiết. “Vì ấy là chẳng phải bổn tâm Ngài làm cho con cái loài người cực khổ và buồn rầu.” (Ca thương 3:33)
* LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin hãy khiến cho lời nói của con trở nên giống như Ngài, đầy tràn ân điển và tình yêu thương. A-men
* Câu hỏi suy gẫm:
1. Tại sao chúng ta rất dễ làm tổn thương người khác qua lời nói của mình?
2. Hãy chia sẻ về thời điểm mà Đức Chúa Trời đã dùng lời nói của ai đó để an ủi, nâng đỡ hay chữa lành cho bạn.
3. Mỗi khi muốn nhận được tình yêu thương, sức lực và sự yên ủi của Đức Chúa Trời, bạn thường tìm đến phân đoạn Kinh Thánh nào?
* Tác giả: TS. Kari Vo
* Người dịch: Globalinks Team
—
—
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về tình yêu cứu chuộc của Chúa Giê-xu hoặc cần được tư vấn về niềm tin, đừng ngần ngại tìm đến nhà thờ Tin Lành gần nhất.
Hoặc liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay bằng cách để lại bình luận trực tiếp trên bài viết, nhắn tin trên Zalo qua số điện thoại: 0983117411