THẤT VỌNG
Kinh Thánh: “Sau đó, vào một ngày lễ của dân Do Thái, Đức Chúa Jêsus đi lên thành Giê-ru-sa-lem. Tại Giê-ru-sa-lem, gần cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Bê-tết-đa. Hồ có năm vòm cửa. Rất nhiều người đau ốm, mù lòa, què quặt, bại liệt nằm tại đó. Có một người mắc bệnh đã ba mươi tám năm. Đức Chúa Jêsus thấy người nầy nằm đó và biết bị bệnh đã lâu nên hỏi: Ngươi có muốn được lành không? Người bệnh trả lời: Thưa ông, không có ai giúp ném tôi xuống hồ lúc nước động, khi tôi đến thì người khác đã xuống trước tôi rồi. Đức Chúa Jêsus bảo: Hãy đứng dậy, vác giường ngươi và đi. Người ấy liền được lành bệnh, vác giường và đi. Hôm ấy là ngày Sa-bát. (Giăng 5:1-3, 5-9)
Đây là một câu chuyện kỳ lạ. Đức Chúa Jêsus đang đứng giữa rất đông những người bệnh—tất cả đều tuyệt vọng muốn được cứu chữa—nhưng Ngài lại chọn một người để trò chuyện. Và Ngài hỏi: “Ngươi có muốn được lành không?”
Thật là một câu hỏi lạ lùng! Chẳng phải ai cũng muốn sống khỏe mạnh sao? À, có lẽ không phải thế. Người này đã bệnh suốt 38 năm. Nếu được chữa lành, ông sẽ phải đối diện với sự thay đổi lớn trong đời sống mình. Có lẽ câu hỏi của Đức Chúa Jêsus sâu sắc hơn tôi nghĩ.
Người bệnh đó không trả lời vào trọng tâm mà chỉ than phiền. Nhưng dường như điều ấy cũng đủ với Chúa Jêsus rồi, vì ngay sau đó Ngài truyền lệnh cho ông đứng dậy và bước đi. Và vì là một Đấng Cứu Thế rất chu đáo, nên Ngài đã nhắc ông mang theo giường của mình!
Sau đó, Đức Chúa Jêsus rời đi—bỏ lại tất cả những người khác chưa được chữa lành. Tại sao lại thế? Tôi thật sự không hiểu. Nhưng tôi có thể nghĩ ra vài lý do chính đáng như, nếu Ngài chữa lành cho hết thảy thì có thể sẽ gây náo loạn và Ngài sẽ bị đóng đinh sớm hơn. Nhưng thực tế là, đây chính là cách mà Đức Chúa Trời đã hành động xuyên suốt Kinh Thánh—và cả trong đời sống chúng ta ngày nay. Ngài đối xử với từng người tùy theo hoàn cảnh riêng của họ, chứ không phải mọi người đều như nhau. Một số ít người thì nhận được phép lạ; còn hầu hết chúng ta vẫn tiếp tục chịu đau khổ. Đức Chúa Jêsus hành động như cách của Cha Ngài—nghĩa là, Ngài không giải thích. Ngài chỉ làm điều Ngài đã định trước.
Và dù sao đi nữa, điều Đức Chúa Jêsus sẽ làm luôn là tốt lành. Người bệnh ấy đã được chữa lành, dù việc đó gây ra sự phản đối lớn khi các nhà lãnh đạo tôn giáo phát hiện việc đó diễn ra vào ngày Sa-bát. Và sau đó, Đức Chúa Jêsus tìm gặp ông lần nữa để giải quyết một vấn đề tội lỗi riêng tư mà chỉ hai người biết với nhau.
Vậy chúng ta nghĩ gì về điều này? Một số người buồn giận với Đức Chúa Trời vì Ngài không hành động theo cách mà họ có thể hiểu được. Họ không chịu tin vào Đức Chúa Jêsus trừ khi Ngài thay đổi cách Ngài hành động.
Những người khác thì nói: “Đúng là tôi không hiểu được Ngài, nhưng tôi sẽ tin Ngài.” Bởi vì những gì chúng ta hiểu được đều là điều tốt lành. Ví dụ, chúng ta biết chắc rằng Ngài đã hy sinh mạng sống trên thập tự giá để cứu tất cả chúng ta khỏi quyền lực của tội lỗi, sự hổ thẹn, và sự chết. Và rồi Ngài đã sống lại, để những ai tin nơi Ngài có thể được sống đời đời.
Tôi không hiểu hết về Đức Chúa Jêsus, nhưng tôi tin Ngài. Thế là đủ cho tôi rồi.
* LỜI CẦU NGUYỆN: Kính lạy Chúa, xin giúp con mỗi khi con cảm thấy nản lòng và dạy con biết tin cậy nơi Ngài. A-men.
* Câu hỏi suy ngẫm:
1. Bạn có bao giờ cảm thấy thất vọng với Đức Chúa Trời không?
2. Bạn thường đối diện với cảm giác đó như thế nào?
3. Sự chết và sự phục sinh của Đức Chúa Jêsus bày tỏ tấm lòng của Ngài dành cho bạn như thế nào?
* Tác giả: TS. Kari Vo
—
—



Website: www.globalinks.vn