XIN MAU MAU ĐÁP LỜI CON!
Kinh Thánh: “Đức Giê-hô-va ôi! Xin mau mau đáp lời con! Tâm linh con mỏi mòn. Xin Chúa đừng giấu mặt với con, kẻo con giống như kẻ xuống huyệt chăng. Buổi sáng, xin cho con nghe được lòng nhân từ Chúa, vì con tin cậy nơi Ngài; xin chỉ cho con biết con đường phải đi vì linh hồn con ngưỡng vọng Chúa.” (Thi-thiên 143:7-8)
Đây là một lời cầu nguyện khẩn cấp đến mức tuyệt vọng vào phút chót. Cho dù hoàn cảnh nào đi nữa cũng thôi thúc trước giả Thi-thiên trình dâng lời cầu xin này, vì ông đang cần sự giúp đỡ ngay lập tức! Ông không còn nơi nào khác để nương tựa. Không có gia đình, không bạn bè, thậm chí cả một đội quân cũng không thể giúp được ông. Tình cảnh của ông đã vượt quá khả năng cứu giúp của con người và chỉ còn Chúa là nơi duy nhất có thể giải cứu ông. Đó là một lời cầu nguyện giống như của sứ đồ Phi-e-rơ, khi đang đi bộ trên mặt biển Ga-li-lê, ông nhìn thấy sóng to gió lớn dữ dội rồi bắt đầu chìm dần. Phi-e-rơ đã kêu cầu nguồn cứu giúp duy nhất còn lại: “Chúa ơi, xin cứu con!” (Ma-thi-ơ 14:30b)
Chúng ta biết rõ kiểu cầu xin này vì chúng ta cũng từng nhiều lần cầu nguyện như thế. Chúng ta cũng dâng lên những lời khẩn xin tương tự trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, mỗi lần đều cảm thấy cô đơn và đã cạn kiệt sức lực lẫn sự kiên nhẫn. Những hoàn cảnh ấy có thể là bệnh tật, tang chế, mâu thuẫn gia đình, hay mất mát tài chính. Nhưng lại chẳng nhận được lời giải đáp nào, cũng không còn nơi nào để nương tựa. Giống như Phi-e-rơ, chúng ta kêu cầu trong sự tuyệt vọng: “Chúa ơi, xin cứu con!” Thế nhưng, đôi khi chúng ta tự hỏi liệu Chúa có đang lắng nghe mình không. Lúc ấy không phải là thời điểm thuận lợi để Ngài giữ im lặng hay ẩn mặt khỏi chúng ta. Đó cũng không phải là lúc thử thách đức tin.
Thế nhưng, trong mọi hoàn cảnh ấy, Chúa vẫn hiện diện. Ngài không hề quay lưng đi. Dù đang ở trong hoạn nạn, nhưng trước giả Thi-thiên vẫn tin chắc rằng lời cầu nguyện của mình được Chúa nghe thấy. Ông trông đợi tin tốt lành: “Buổi sáng, xin cho con nghe được lòng nhân từ Chúa, vì con tin cậy nơi Ngài.” Chúng ta không cần phải chờ đợi tin tốt lành. Vì chúng ta đã thấy và nghe tin mừng ấy tại thập tự giá, nơi ngôi mộ trống của Chúa Jêsus. Đấng Cứu Thế của chúng ta đã kêu lên trên thập tự giá: “Đức Chúa Trời của con! Đức Chúa Trời của con! Sao Ngài lìa bỏ con?” (Mác 15:34b). Vì sự cứu rỗi của chúng ta, Đức Chúa Trời đã quay mặt khỏi Con Một của Ngài, để Con chịu đau đớn và chết thay vì cớ chúng ta. Bởi vì Ngài đã quay mặt khỏi Con Một Ngài, nên Ngài sẽ không bao giờ quay mặt khỏi chúng ta. Vào buổi sáng Phục Sinh đầu tiên, tin mừng về tình yêu thương không đổi dời của Đức Chúa Trời đã được loan báo tại ngôi mộ trống: Chúa Jêsus đã sống lại từ cõi chết!
Chúng ta biết rõ nên tin vào tin mừng ấy, và vì vậy, chúng ta có sự tin cậy khi cầu nguyện. Dù hoàn cảnh có ra sao và dù chúng ta tuyệt vọng đến thế nào, thì gương mặt đầy ân huệ và phước hạnh của Đức Chúa Trời vẫn luôn hướng về chúng ta. Ngài lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta và sẽ đáp lời theo ý muốn tốt lành của Ngài. Giống như Ngài đã làm với sứ đồ Phi-e-rơ, Chúa sẽ đưa tay nâng đỡ chúng ta. Ngài sẽ làm dịu nỗi sợ hãi của chúng ta bằng sự bình an của Ngài, che chở chúng ta bằng tình yêu thương vững bền, và dẫn chúng ta đi theo đường ngay.
* LỜI CẦU NGUYỆN: Kính lạy Chúa Jêsus, xin an ủi con bằng tình yêu thương vững bền của Ngài và đầy dẫy trong lòng con bằng sự bình an của Ngài. A-men.
* Câu hỏi suy ngẫm:
1. Trong lúc thuận cảnh hay nghịch cảnh, bạn thường cầu nguyện lúc nào hơn?
2. Tại sao việc cầu nguyện vào buổi sáng trước khi bắt đầu một ngày mới, lại quan trọng?
3. Bạn có thể thay đổi điều gì trong đời sống mình để dành thời gian cầu nguyện thường xuyên hơn?
* Tác giả: TS. Carol Geisler
—
—



Website: www.globalinks.vn